Thị trường crypto ngày càng mở rộng nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Và một trong số đó là FED. Vậy FED là gì? FED có ảnh hưởng thế nào đến thị trường tiền điện tử. Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này.
FED là gì?
FED là gì? FED là viết tắt của Federal Reserve System, là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đóng vai trò là ngân hàng trung ương của quốc gia này. Đây là một tổ chức có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất thị trường tài chính toàn cầu.
FED được thành lập vào năm 1913 sau khi Đạo luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act) được kí vào ngày 23/12 cùng năm. Trước khi FED ra đời, Mỹ không có ngân hàng trung ương và quyền lực tài chính tập trung hoàn toàn vào tay chính phủ. Điều này đã dẫn tới sự đình trệ kinh tế và vào năm 1907 khiến các chủ ngân hàng hoảng loạn (hoảng loạn Knickerbocker).
FED được thành lập để đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hệ thống tài chính của Mỹ và đây là đơn vị hoạt động độc lập với chính phủ. FED và chính phủ Mỹ vẫn có sự liên kết và các cơ chế giám sát lẫn nhau để hoạt động hiệu quả và đạt được những mục tiêu chung.
Do độc lập với chính phủ nên có thể hiểu rằng FED thuộc sở hữu tư nhân. Trên thực tế, các quyết định của FED không cần được tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào phê chuẩn. Mối liên hệ của FED với chính phủ được thể hiện qua việc đơn vị này vẫn chịu sự giám sát của Quốc hội.
Cấu tạo và vai trò của FED là gì?
Cơ cấu tổ chức FED bao gồm 3 thực thể quan trọng:
- Federal Reserve Board of Governors: bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và 5 thành viên khác trong hội đồng, tổng cộng 7 người. 7 vị trí này do tổng thống đề xuất và Thượng viện Mỹ phê duyệt.
- Federal Reserve Banks: Hệ thống 12 ngân hàng thành viên của FED thuộc 12 tiểu bang phân bổ trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Mỗi ngân hàng sẽ có một chủ tịch riêng và sở hữu một lượng cổ phần nhất định trong FED.
- Federal Open Market Committee (FOMC): Nắm giữ ba công cụ chính giúp FED điều chỉnh thị trường tiền tệ (nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc). FOMC bao gồm 12 thành viên, trong đó có 7 thành viên của Board of Governors, một chủ tịch ngân hàng thành viên tại New York và 4 chủ tịch ngân hàng thành viên khác được lựa chọn định kỳ (rotation basis).
5 nhiệm vụ chính của FED là:
- Thực hiện chính sách tiền tệ.
- Đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
- Giám sát và điều hành các ngân hàng thành viên.
- Thúc đẩy hệ thống thanh toán đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Hỗ trợ thúc đẩy việc phát triển cộng đồng và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
FED cùng với chính phủ đưa ra các hình này để đảm bảo hai yếu tố:
- Thúc đẩy kinh tế, đảm bảo ổn định giá cả.
- Đảm bảo thị trường việc làm.
FED thuộc sở hữu tư nhân nhưng hoạt động của ban điều hành và việc đưa ra các quyết định quan trọng về điều chỉnh chính sách tiền tệ vẫn có sự tham gia của chính phủ – thông qua 7 thành viên trong ban điều hành. Do đó, mục tiêu FED hướng tới vẫn là đảm bảo lợi ích chung cho toàn bộ người dân Mỹ.
Công cụ của FED là gì?
Có 3 công cụ chính được FED sử dụng để điều tiết thị trường. Đó là:
Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở (open market operations – OMO) là thuật ngữ chỉ các hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường của FED.
Các loại chứng khoán được FED giao dịch chủ yếu là trái phiếu. Các hoạt động này ảnh hưởng tới lợi suất trái phiếu trên nhiều kỳ hạn khác nhau, tỷ giá hối đoái và thanh khoản thị trường.
- Khi FED mua vào trái phiếu và các loại tài sản, thị trường tài chính sẽ có nhiều tiền hơn, lợi suất trái phiếu giảm. Từ đó, dòng tiền sẽ phải đi tìm nơi có lợi suất cao hơn.
- Khi FED bán ra trái phiếu, tiền ngoài thị trường sẽ bị thu về, lợi suất trái phiếu tăng. Việc thanh khoản, kèm theo lợi suất của các tài sản an toàn gia tăng sẽ là điều kiện để dòng tiền chảy ra khỏi các hoạt động kinh doanh.
Lãi suất
Lãi suất ở đây là lãi suất mà FED và các ngân hàng thành viên cho ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính khác vay ngắn hạn, trong điều kiện các ngân hàng đó thiếu thanh khoản.
Cơ chế dự trữ một phần của hệ thống tài chính hiện nay thúc đẩy việc phát triển tín dụng. Khi mức dự trữ của ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính xuống dưới mức quy định, họ bắt buộc phải vay ngắn hạn từ FED để đảm bảo thanh khoản.
Mức lãi suất này cũng tác động trực tiếp tới mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại hay tổ chức tài chính cho khách hàng vay.
Từ đó, việc FED tăng lãi suất cũng sẽ khiến các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất theo, kết quả làm giảm nhu cầu tín dụng, khiến lượng tiền trên thị trường giảm đi.
Liên quan tới các tài sản tài chính, khi lãi suất tăng, lượng tiền trên thị trường giảm đi. Các quỹ đầu tư (dòng tiền lớn) sẽ phải chịu chi phí đòn bẩy lớn hơn, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và dẫn đến việc họ phải giảm bớt vị thế để đảm bảo thanh khoản.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là quy định về lượng tiền ngân hàng thương mại phải gửi cố định vào ngân hàng trung ương (FED) để đảm bảo ngân hàng có khả năng thanh toán trong trường hợp khách hàng rút tiền ra khỏi ngân hàng đó.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là công cụ để ngân hàng trung ương đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và điều tiết cung tiền trên thị trường.
Khi ngân hàng trung ương tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng thương mại buộc phải gửi vào nhiều tiền hơn cũng như không thể sử dụng tiền đó để cho ra ngoài thị trường.
Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều tiền hơn ra ngoài thị trường.
FED có thể tăng/giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều tiết cung tiền trên thị trường, qua đó gây tác động tới giá cả các loại tài sản khác nhau.
Ảnh hưởng của FED đến crypto
Các tác động từ vĩ mô
Với sức ảnh hưởng của mình, FED gây ra các tác động sâu sắc tới các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng, thanh khoản suy giảm, các cá nhân và tổ chức cũng sẽ phải chịu mức phí lãi vay cao hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc chi tiêu, tiết kiệm (đối với cá nhân) và chi phí đầu vào (đối với doanh nghiệp).
Do đó, dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro cũng sẽ trở nên hạn chế hơn so với thời kỳ lãi suất giảm hoặc chính sách tiền tệ nới lỏng.
Từ trước tới nay, crypto vẫn được xem lại một loại tài sản có mức rủi ro cao đi kèm lợi nhuận hấp dẫn. Vì vậy, theo lý thuyết, dòng tiền sẽ chảy vào crypto có phần hạn chế hơn trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ.
Xét về lịch sử phát triển, crypto và Bitcoin vẫn còn quá non trẻ và mức độ liên quan của chúng với FED chỉ có thể được thấy trong vòng vài năm trở lại đây.
Ảnh hưởng đến từ các quỹ đầu tư truyền thống
Như đã đề cập ở trên, các chính sách của FED sẽ gây tác động lên lợi suất phi rủi ro (hay chi phí cơ hội của khoản đầu tư), thanh khoản thị trường và chi phí đầu tư của quỹ (lãi suất).
Theo báo cáo từ Coinbase và Morgan Stanley, tỷ lệ khối lượng giao dịch trên Coinbase thuộc về các cá nhân đã giảm từ 80% trong Q1/2018 xuống còn 32% vào Q4/2021. Đây là một chỉ báo cho thấy xu hướng tăng của dòng tiền vào thị trường crypto từ các tổ chức tài chính.
Do các chính sách của FED tác động trực tiếp đến hoạt động phân bổ vốn của các tổ chức này, có thể kết luận rằng các chính sách của FED có gây tác động đến crypto trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, hệ số tương quan của Bitcoin và S&P500 ngày càng cao, điều này cho thấy sự phụ thuộc của crypto vào các yếu tố của tài chính truyền thống, nơi mà FED có sức ảnh hưởng lớn.
Như vậy, FED là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và thị trường tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng bởi FED.
Với công cụ và nguồn lực trong tay, FED có thể điều tiết dòng tiền trên toàn bộ thị trường. Trong thời kỳ nới lỏng tiền tệ, các loại tài sản được hưởng lợi trong môi trường thanh khoản dồi dào và ngược lại.
Qua bài viết của Sàn Forex Plus, bạn đã biết FED là gì và những ảnh hưởng của FED tới thị trường crypto. Trong quá trình đầu tư crypto, chúng ta vẫn có thể nhìn vào FED như một chỉ báo mang tính định hướng, từ đó đạt được sự an toàn, hiệu quả trong quá trình đầu tư.